Homestay dần phát triển hơn bao giờ hết trong thời gian hiện nay, không những theo hướng truyền thống mà còn dần sang hướng cao cấp hơn. Tuy nhiên, dù là mở rộng theo mô hình nào thì chủ homestay vẫn phải chú ý một số vấn đề pháp lý căn bản để đảm bảo kinh doanh tuân thủ đúng luật pháp.
Homestay được đề cập đến trong Mục 4, Chương 6 Luật Du lịch 2005 và được hướng dẫn tại Điều 17, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Du lịch. Cụ thể, homestay được đề cập đến như một hình thức kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đi kèm với một số điêu kiện như: host của homestay phải là người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp địa điểm lưu trú, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch, và có thể cung cấp dịch vụ bổ sung cho khách lưu trú.
1. Đăng ký kinh doanh & đóng thuế
Theo điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ – CP, mỗi hộ kinh doanh homestay cần chuẩn bị Giấy đề nghị cấp phép kinh doanh Homestay:
▪️ Tên hộ kinh doanh
▪️ Ghi rõ ngành nghề: Kinh doanh dịch vụ du lịch homestay
▪️ Kê khai số vốn bỏ ra
▪️ Kê khai số lao động sử dụng khi Homestay đi vào hoạt động
▪️ Họ tên, chữ ký và CMND của người thành lập hộ kinh doanh (gửi kèm bản sao công chứng CMND)
Sau khi nộp lệ phí tại Phòng đăng ký kinh doanh, bạn có thể nhận được kết quả trong vòng 3 ngày. Để nhận giấy phép kinh doanh homestay, bạn trình biên nhận hồ sơ (được PĐK giao khi tiếp nhận). Hoàn tất các bước trên, hồ sơ của bạn sẽ được gửi về chi cục thuế để tiến hành hoàn tất thủ tục đánh thuế kinh doanh theo quy định Nhà nước. Việc bạn cần làm là khai báo và đóng thuế đúng yêu cầu. Hiện tại, các hộ kinh doanh có thể sử dụng phương pháp đóng thuế điện tử rất dễ dàng và thuận tiện.
Lời khuyên: Nếu quy mô kinh doanh còn nhỏ và ít nhân lực thì nên đăng ký hộ kinh doanh cá thể thay vì thành lập công ty TNHH để tránh những vấn đề lằng nhằng về thủ tục, thuế…
2. Yêu cầu về điều kiện của homestay
– Yêu cầu chung: Dễ tiếp cận, thuận tiện; Đảm bảo an ninh, an toàn; Xây dựng vững chắc; Thông thoáng, ánh sáng và chiếu sáng tốt; Có bảng tên đặt ở nơi dễ thấy.
– Diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh và phòng tắm: Phòng một giường đơn 8 m2; phòng hai giường đơn hoặc một giường đôi 10m2, tăng 4 m2 cho mỗi giường thêm; phòng vệ sinh và tắm chung 3 m2.
– Trang thiết bị, tiện nghi an toàn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho lưu trú. Đặc biệt chú ý vấn đề an toàn với môi trường và phòng chống cháy nổ. Cụ thể, các cơ sở kinh doanh lưu trú từ 7 tầng trở lên phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; các cơ sở kinh doanh lưu trú từ 6 tầng trở xuống phải có biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
– Dịch vụ và mức độ phục vụ
- Dịch vụ: Bảng niêm yết giá buồng, giá dịch vụ (nếu có); Bảng niêm yết nội quy; Có tủ nhiều ngăn cho khách sử dụng, mỗi ngăn một chìa khóa; Cung cấp thông tin cần thiết cho khách.
- Mức độ phục vụ: Thay ga bọc đệm, bọc chăn, vỏ gối ba ngày một lần hoặc khi có khách mới; Cung cấp đủ nước sạch 24/24h.
3. Công nhận xếp hạng cơ sở lưu trú
Hồ sơ xếp hạng homestay được hướng dẫn tại Mục III, Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL gồm:
- Đơn đề nghị xếp hạng homestay quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL;
- Biểu đánh giá chất lượng homestay quy định trong Tiêu chuẩn quốc gia về xếp hạng các loại cơ sở lưu trú du lịch;
- Danh sách người quản lý và nhân viên phục vụ trong homestay quy định tại Phụ lục 2 tại Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL;
- Bản sao có giá trị pháp lý: Đăng ký kinh doanh homestay, quyết định thành lập doanh nghiệp (nếu có);
- Văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ và thời gian làm việc trong lĩnh vực du lịch đối với người quản lý;
- Giấy cam kết hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và an toàn xã hội;
- Giấy xác nhận đủ điều kiện về phòng chống cháy nổ;
- Xác nhận báo cáo tác động môi trường hoặc xác nhận cam kết bảo vệ môi trường của cấp có thẩm quyền;
- Biên lai nộp lệ phí thẩm định cơ sở lưu trú du lịch theo quy định hiện hành.
Hồ sơ đăng ký hạng từ 1 đến 5 sao hoặc hạng cao cấp và cần được hoàn thiện trong vòng 3 tháng đầu khi homestay được cấp phép kinh doanh chính thức. Thời hạn xếp hạng trong thời hạn một tháng đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xếp hạng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và hai tháng đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xếp hạng của Tổng cục Du lịch kể từ ngày nhận hồ sơ.
4. Một số lưu ý khác khi thuê nhà làm homestay
Khi bản thân chủ homestay không phải là chủ sở hữu bất động sản mà bạn đang thực hiện kinh doanh, cần chú ý một số điều sau:
- Đảm bảo chủ nhà phải là chủ sở hữu trực tiếp căn nhà, nghĩa là đảm bảo là người kí hợp đồng với mình phải đầy đủ thẩm quyền với căn nhà và là người đứng tên trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhà đất.
- Cần công chứng các giấy tờ, hợp đồng thuê nhà tại phòng công chứng để đảm bảo giá trị pháp lý cao nhất.
- Cần chặt chẽ các điều khoản về thời gian thuê để tránh được trường hợp chủ nhà tăng giá thuê “vô tội vạ” hoặc bất chợt phá hợp đồng thuê trước hạn.
- Cần nhấn mạnh vấn đề bồi thường thiệt hại khi chủ nhà phá hợp đồng thuê trước hạn. Tùy từng hợp đồng mà mức phạt với chủ nhà sẽ là tỷ lệ phần nghĩa vụ giá trị khác nhau.
Lời kết
Vấn đề pháp lý là vô cùng quan trọng trong kinh doanh homestay nói riêng và bất kỳ hình thức kinh doanh nào khác. Để đảm bảo không gặp phải những tình cảnh đau đầu về pháp luật và cũng để tăng tính minh bạch cho doanh nghiệp, các chủ nhà hãy thật quan tâm chú ý đến vấn đề pháp lý khi kinh doanh homestay.